Đố bạn biết loài hoa luôn tràn ngập sự hạnh phúc, vui vẻ, không bao giờ muộn phiền là hoa gì? Đó chính là hoa vô ưu đó, như trong chính tên gọi của mình, mọi người ai cũng đã cảm nhận được điều này rồi đúng không nào. Trong Phật giáo, cây vô ưu còn gửi gắm những ý nghĩa rất to lớn và linh thiêng. Loài hoa này gắn liền với sự đản sinh của Đức Phật.
Thông tin chung về hoa vô ưu
Xuất xứ của cây vô ưu
Có thể bạn chưa biết, cây vô ưu còn mang trong mình rất nhiều tên gọi khác nhau như: cây đầu lân, cây ngọc kỳ lân, cây hàm rồng,… Loài cây “không biết buồn” này của chúng ta thuộc họ Lecythidaceae và được các nhà khoa học đặt tên là Couroupita Guianensis. Cây đầu lân có nguồn gốc xuất xứ từ Nam Mỹ, mọc rất phổ biến ở những khu rừng nhiệt đới, mọc nhiều nhất là ở lưu vực sông của rừng Amazon.

Đặc điểm chung của cây vô ưu
Thân cây
Thân cây có bề ngoài hơi sần sùi và được mặc lên một lớp áo màu nâu đậm. Cây vô ưu thuộc loài cây thân gỗ, nếu được trồng trong điều kiện tốt thì sẽ sinh trưởng và phát triển rất nhanh với chiều cao lên đến 30 – 35 mét.
Lá cây vô ưu
Lá của cây có đặc điểm là khá dày, có màu xanh đậm với những đường gân chạy dọc trên bề mặt lá. Chúng thường mọc thành từng cụm ở đầu canh. Nhìn từ xa, bạn có thể liên tưởng đến những bông hoa “khổng lồ” với độ dài từ 8 đến 30cm.
Hoa vô ưu
Không giống như những loại hoa khác mọc ra từ cành, hoa vô ưu rất đặc biệt, chúng mọc thẳng ra từ thân cây. Hoa mọc dài từ dưới gốc lên thành từng chùm dài và nở hoa liên tục. Cây sinh trưởng tốt sẽ có hoa mọc dài đến 2 – 3 mét, một chùm được bao phủ bởi rất nhiều bông hoa với chiếc nụ nhỏ xinh màu vàng. Các bông hoa sẽ nối tiếp nhau nở từ cuống hoa cho đến ngọn và cành hoa.

Vào mỗi buổi sáng là thời điểm mà hoa vô ưu nở rộ nhiều và rạng ngời nhất. Loài hoa này sở hữu một mùi hương nhẹ nhàng, thoang thoảng và lan tỏa khắp mọi nơi.
Quả
Không chỉ sở hữu những bông hoa xinh đẹp mà cây vô ưu còn cho ra nhiều quả với kích thước khá lớn. Quả của cây vô ưu có hình tròn và chứa rất nhiều hạt nhỏ bên trong. Theo ước tính, có từ 200 đến 300 hạt ở trong quả. Không mang một mùi hương dễ chịu, nhẹ nhàng như hoa, quả vô ưu có mùi hôi khá nặng.

Vì vậy, loài cây này thường không được trồng gần khu vực lối đi, hoặc nơi có nhiều người qua lại vì quả sẽ phát ra những mùi hương khó chịu. Đồng thời, kích thước và trọng lượng lớn của quả có thể gây chấn thương nếu vô tình rụng trúng đầu của người qua lại.
Ý nghĩa của cây vô ưu với Đức Phật
Theo tương truyền từ dân gian, Đức Phật được sinh ra bên dưới gốc cây vô ưu. Vì vậy, tương tự như cây bồ đề, cây vô ưu được xem là một biểu tượng rất giàu ý nghĩa, mang đến sự linh thiêng và gắn liền với Đạo Phật.
Giống như cái tên của mình, loài cây này thể hiện cho sự thanh khiết, linh thiêng và thoát tục. Bên cạnh đó, chúng còn biểu trưng cho một cuộc sống đầy lạc quan, thịnh vượng, sung túc, không bao giờ buồn rầu.

Cây vô ưu được trồng khá nhiều trong khuôn viên của đền, chùa, đình,…. bởi các Phật tử để thể hiện lòng thành, sự tôn kính bề trên. Khi đến chùa, được ngắm nhìn và thưởng thức mùi hương của hoa vô ưu, bạn sẽ cảm thấy lòng mình trở nên hứng khởi, an lạc, bình yên hơn bao giờ hết. Điều này giúp con người có thể xóa bỏ mọi phiền muộn, giác ngộ đúng với tên gọi Vô Ưu.
Lợi ích của cây vô ưu trong đời sống
Tác dụng của cây trong trang trí, làm cảnh
Cây vô ưu sinh trưởng và phát triển rất tốt với nhiều cành lá, bông hoa mọc sum suê, khỏe mạnh. Loài cây này tồn tại và mang đến cõi đời một khoảng không gian xanh mát với nhiều hương thơm, đem lại niềm vui, sự thanh thản và bình yên cho bất kỳ ai ngắm nhìn. Không chỉ được trồng phổ biến trong đình, chùa, đền mà còn có rất nhiều gia đình chọn loài cây này trồng trong vườn nhà để trang trí, làm cảnh, mang đến nét đẹp tinh tế, linh thiêng cho cảnh quan của mình.

Tác dụng chữa bệnh
Một tác dụng không ngờ khác của loài cây này đó chính là khả năng chữa bệnh. Quả của cây vô ưu có tính kháng sinh, có thể sát khuẩn, kháng nấm rất tốt. Vì thế, cây có thể được làm thuốc giảm đau, chữa khỏi bệnh cảm mạo, những căn bệnh liên quan đến dạ dày. Bên cạnh đó, lá còn có thể được ép làm nước uống để chữa khỏi những căn bệnh về da.
Không chỉ thế, cây còn có thể điều trị rất hiệu quả bệnh sốt rét. Lá của cây có tác dụng chữa đau răng và có thể khử trùng vết thương rất tốt.

Cách trồng và chăm sóc cây vô ưu đúng cách
Cách trồng cây
Phương pháp trồng cây vô ưu phổ biến nhất là trồng bằng hạt. Quả của loài cây này khi chín mang đến một mùi hôi rất khó chịu và rất thối. Nhưng đây lại chính là thời điểm thích hợp nhất, khi mà hạt đã đạt độ chín mùi, chúng ta mới có thể mang đi ươm trồng được. Đây cũng là lý do tại sao mà Đức Phật đã mượn hình ảnh của cây vô ưu để nói về quy luật sinh diệt của con người.
Hạt khi chín già ta có thể đem gieo để thực hiện nhân giống cho cây. Loài cây này có sức sống rất bền bỉ, có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Tuy nhiên, để tốt nhất, bạn vẫn nên chọn những nơi có đất tơi xốp, chứa nhiều chất dinh dưỡng và có độ ẩm nhất định để hạt có thể nảy mầm một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, để rễ cây có thể phát triển và ổn định thì bạn nên lưu ý rằng, trước khi trồng phải bón thêm một lớp phân ở phía dưới. Khi cây vô ưu đã trưởng thành và phát triển lớn mạnh thì lớp vỏ bên ngoài của thân cây sẽ chuyển thành một lớp gỗ cứng, có nhiều nhánh mọc ra và tạo nên các tán cây rất rộng với lá mọc sum suê.
Lúc này, cây sẽ sinh trưởng chậm lại, không có gì thay đổi nhiều. Tuy nhiên bạn đừng lo lắng, hãy kiên nhẫn đợi thêm 10 năm nữa, cây sẽ cho ra những bông hoa vô ưu rực rỡ màu sắc và cực kỳ xinh đẹp.
Cách chăm sóc cây vô ưu
Rễ cọc của cây vô ưu cắm sâu vào lòng đất, có thể tự mình hút các chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ quá trình phát triển của cây. Vì vậy, bạn không cần dành quá nhiều thời gian chăm sóc cây. Việc tưới nước cũng không cần quá thường xuyên. Nếu trời nắng gắt, không có mưa thì chỉ cần tưới từ 2 đến 3 lần là đủ.

Để hoa của cây có thể nở rộ một cách đẹp nhất thì nên trồng ở nơi cung cấp đủ ánh sáng. Đồng thời, nên bón phân cho cây từ 3 đến 4 lần để cây có thể nhận được các chất dinh dưỡng thiết yếu, nhất là khi chúng còn nhỏ.
Ngoài ra, bạn nên thường xuyên kiểm tra tình trạng cây xem có sâu đục hay không. Nếu được thì hãy quét vôi xung quanh thân dưới để tránh sâu xâm nhập, gây hại cho cây.
Trên đây chính là những thông tin thú vị về cây vô ưu – một loài cây mang ý nghĩa rất linh thiêng, độc đáo mà nhất định bạn biết. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có nhiều kiến thức bổ ích về việc trồng và chăm sóc cây sao cho hiệu quả, đúng cách, giúp cây sinh trưởng tốt nhất. Nếu trong lòng có muộn phiền, hãy nhớ đến nơi cửa Phật để được nhìn ngắm hoa vô ưu, khiến tâm hồn trở nên thanh thản và bình yên hơn nhé!
Hãy là người đầu tiên nhận xét “Cây Vô Ưu”